BÁNH ĐÚC

 

Bánh Đúc Một Món Ăn Truyền Thống Giản Dị Của Người Việt

bánh đúc

Bánh đúc từ lâu đã là một món ăn vô cùng quen thuộc của người Việt Nam. Nó có thể ăn chung với nhiều loại nước chấm khác nhau, mỗi loại lại tạo ra một hương vị đặc trưng riêng khiến người ta ăn một lần là nhớ mãi, có thể ăn vặt hoặc ăn no đều được

    1. Bánh đúc là gì?

    Đối với những người con đất Việt, bánh đúc có lẽ là một món ăn không còn xa lạ gì nữa. Bởi với chất bánh mát, mịn, ăn no mà lại dễ tiêu, giá thành lại rẻ; bánh đúc đã trở thành món ăn dân gian phổ biến khắp ba miền.

    bánh đúc
    Bánh đúc là một món ăn dân gian phổ biến khắp ba miền

    Ở miền Bắc và miền Trung, bánh đúc thường được chế biến từ bột gạo và một số loại gia vị khác. Tuy nhiên người miền Nam lại làm nó bằng bột năng. Dù bánh đúc làm từ bột gì thì thành phẩm sau khi “ra lò” cũng làm người ta khen ngon tấm tắc. Bánh được đúc trong một khuôn to, khi ăn sẽ cắt nhỏ ra thành miếng tùy ý.

    Bánh đúc không chỉ dùng ăn riêng cho bữa sáng, hay ăn lót dạ với một chén tương; nhiều người còn ăn kèm chúng với canh riêu cua, rau thơm, cá kho, thịt kho,… Có người còn ăn với mắm tôm, mật ong, mật mía, mứt trái cây,… 

    Từ loại bánh truyền thống, về sau, món ăn này đã được phát triển thêm thành nhiều loại khác; phục vụ cho khẩu vị của nhiều nhóm người khác nhau như bánh đúc lạc, bánh đúc dừa, bánh đúc ngô,…

    2. Những loại bánh đúc phổ biến

    Đây là một món ăn quen thuộc, bình dân của Việt Nam. Bạn có thể ăn nó như một món ăn vặt, hay cũng có thể dùng làm bữa chính. Nhưng không phải loại bánh đúc nào cũng giống nhau; mà đó chỉ là một tên gọi chung cho những mẻ bánh được đúc thành khuôn từ bột năng, bột gạo. Món bánh này còn có rất nhiều phiên bản được biến tấu độc đáo khác.

    2.1. Bánh đúc nóng

    Bánh đúc nóng có cách thưởng thức y hệt như tên gọi của nó, là phải ăn vào lúc còn nóng mới ngon. Phiên bản bánh này có cả thịt băm với mộc nhĩ, được xào đều với một ít gia vị rồi đổ lên mặt bánh. Ở Sài Gòn, nhiều hàng quán còn có thêm cả trứng cút hoặc chả cá để ăn kèm.

    bánh đúc
    Bánh đúc nóng phải ăn vào lúc còn nóng mới ngon

    Phần bột bánh được làm tương tự với bánh đúc lạc, nhưng sẽ không có đỗ lạc bên trong. Bột bánh cũng có phần mềm hơn một chút nhưng vẫn đảm bảo độ sánh mịn, dẻo quánh của món ăn.

    Khi gọi món, bạn sẽ được phục vụ một chén bánh đúc nóng với topping là thịt và nấm xào. Kèm theo đó là một chút ngò và hành phi – một thứ không thể thiếu trong món ăn này, làm nó dậy vị hơn. Nước chấm chua ngọt ăn kèm sẽ được pha nhạt để bạn có thể tùy ý điều chỉnh. 

    Khi ăn, chan một chút nước chấm vào chén bánh nóng hổi rồi xắn một miếng bánh cùng tất cả topping và nước mắm cho vào miệng… Nghĩ đến thôi đã thấy thật hấp dẫn. Nếu ăn vào một ngày mưa se lạnh thì sẽ càng tuyệt vời hơn.

    2.2. Bánh đúc mặn

    Một hương vị khác cũng được nhiều người dân Sài Gòn cực kỳ yêu thích, đó là bánh đúc mặn. Nhiều nơi còn gọi là bánh đúc cốt dừa, hay bánh bột hấp. Đối với phiên bản này, bột gạo sẽ được pha cùng một ít một năng, thêm chút muối. Và điều làm cho món ăn này đặc biệt chính là nước cốt dừa thơm lừng, béo ngậy. 

    bánh đúc
    Bánh đúc mặn được nhiều người dân Sài Gòn cực kỳ yêu thích

    Khi khuấy bột, món bánh này cũng có cách làm tương tự bánh đúc lạc; nhưng sẽ không cho thêm dầu để làm bánh béo hơn, vì thành phần tiết ra dầu đã có sẵn ở trong nước cốt dừa.

    Khi có khách gọi món, bánh sẽ được cắt ra thành những miếng hình vuông, hoặc chữ nhật sao cho vừa ăn. Thông thường, người ta sẽ sử dụng loại dao có gợn sóng để bánh cắt ra nhìn đẹp mắt hơn. Nhân bánh thường là thịt băm xào và củ sắn băm nhỏ. Thêm một chút tôm khô là chuẩn bài.

    Ăn kèm với bánh là nước chấm chua ngọt, thêm vào đó là giá trụng hoặc những lát dưa leo xắt mỏng, và rau sống. Khác với các phiên bản khác; bánh đúc mặn khi ăn sẽ mang lại vị béo, có thể hơi ngấy nếu ăn chưa quen. Nhưng nếu bạn là tín đồ của những món ăn béo ngậy, bạn sẽ yêu phiên bản này bởi hương vị đậm đà và đặc biệt.

    2.3. Bánh đúc mắm tôm

    Đây đích thị là một phiên bản mà mới nghe qua đã cảm thấy hương vị nồng nàn phảng phất. Nhiều người vẫn còn cảm thấy xa lạ với cách ăn bánh đúc này; vì hai nguyên liệu có vẻ… chẳng ăn nhập gì với nhau. Bánh đúc mắm tôm sẽ được ăn khi bánh đã nguội. Vỏ bánh là lớp bột gạo mịn màng, núng nính; kèm theo một chút đỗ lạc nhấn nhá bên trên. 

    bánh đúc
    Bánh đúc mắm tôm

    Nhìn thoáng qua thì món ăn này có vẻ đơn giản. Nhưng đến khi chấm vào với mắm tôm rồi sẽ thấy hương vị đặc sắc như đang bùng nổ trong khoang miệng. Lớp bánh dẻo thơm, thêm chút đậu phộng bùi bùi, đi kèm theo đó là mắm tôm nồng đậm… Nếu bạn không ngại ăn mắm tôm, hãy thử biến tấu bánh đúc này; đảm bảo bạn sẽ khó mà quên được.

    2.4. Bánh đúc lá dứa

    Trái ngược với biến tấu với mắm tôm có phần xa lạ kia; bánh đúc lá dứa lại là một món quen thuộc hơn với những người dân miền Nam, đặc biệt là những người dân miền Tây. Những chiếc bánh với phần bột xanh mát mắt, mịn màng, núng nính. Nó còn có cái tên khác ngắn hơn, đó là bánh đúc ngọt.

    bánh đúc
    Bánh đúc lá dứa là một món ăn vặt quen thuộc

    Món này thường được sử dụng như một thức quà ăn vặt ngon lành với bột bánh mềm, ẩm mượt, hơi dai nhẹ; và đặc biệt là mùi lá dứa thơm thơm. Phiên bản này thường được ăn kèm với nước cốt dừa hoặc nước đường, rồi rải thêm một lớp hạt mè thơm giòn bên trên. Cứ thế, món bánh đúc lá dứa đã chiếm trọn vị giác và trái tim của thực khách nếm thử.

    2.5. Bánh đúc lạc

    Dù bản thân các loại bánh đúc đã rất bình dân, gần gũi, thân thuộc; nhưng bánh đúc lạc có thể được coi như là loại bình dân nhất trong tất cả các phiên bản biến tấu. 

    Loại bánh này phổ biến ở miền Bắc nhiều hơn. Tên gọi của nó cũng vô cùng đơn giản và dễ hiểu; gọi là bánh đúc lạc bởi vì bên trong bánh đúc có những hạt lạc (người miền Nam thường gọi là đậu phộng) để làm bánh trông hấp dẫn hơn.

    bánh đúc
    Bánh đúc lạc phổ biến ở miền Bắc nhiều hơn

    Để làm ra một mẻ bánh ngon, gạo tẻ sẽ được ngâm với nước vôi khoảng một ngày. Sau đó vớt ra để cho ráo nước, rồi xay thành bột. Bột xay ra phải vừa tầm, không nên quá đặc hay quá lỏng. Khi xay, người ta sẽ cho thêm khoảng hai thìa nước vôi trong, nêm thêm một chút muối rồi mới mang đi nấu.

    Khi nấu, hỗn hợp bột đã xay được cho vào nồi cùng với một chút dầu ăn. Vừa nấu vừa khuấy đều tay từ lúc bột chưa sôi cho đến khi đã chín để bột bánh không bị vón cục. Lửa nấu bột cũng phải là lửa nhỏ, khuấy đều cho đến khi bộ róc đũa là đạt. Cuối cùng, người ta sẽ cho đỗ lạc vào trộn đều rồi mới đổ vào khuôn.

    Khi bánh đã nguội, phần bột sẽ co lại, trở nên giòn hơn, và không bị dính tay khi gỡ. Bề mặt bánh mịn, bóng bẩy. Món ăn khi nguội, chấm kèm với một chén tương bần rất ngon, được nhiều người dân miền Bắc ưa chuộng. Dù có đi xa cỡ nào vẫn luôn nhớ về món bánh đúc lạc chấm tương bần. 

    4. Cách làm bánh đúc

    Thật ra, làm món này không quá khó. Bởi về cơ bản, nó chỉ là gạo tẻ pha với nước vôi tôi. Để làm nước vôi tôi, bạn bỏ một hòn vôi nhỏ vào nước rồi sau đó đánh đều cho vôi tan ra. Đợi một lúc cho phần cặn vôi lắng xuống thì gạn đi để lấy nước vôi trong.

    Gạo tẻ được vo và đãi sạch sẽ. Sau đó ngâm trong nước vôi tôi khoảng một ngày; hoặc cho đến khi dùng tay bóp nhẹ thấy hạt gạo bở, tơi ra là được. Tiếp theo, gạo sẽ được mang đi xay cùng với nước vôi tạo thành một hỗn hợp bột thật mịn.

    bánh đúc
    Làm bánh đúc không quá khó

    Đến công đoạn nấu bánh, nồi nấu sẽ được quệt một lớp mỡ để bột không bị dính đáy. Sau đó bạn đổ bột vào rồi bật bếp đun nhỏ lửa. 

    Đến đây có lẽ là công đoạn đơn giản nhưng lại mệt nhất trong suốt quá trình nấu bánh đúc. Bởi bạn sẽ phải khuấy bột liên tục và đều tay; sao cho bột không bị vón, bị khê, không sát đáy nồi. Cho đến khi bột trong nồi chín và trở nên đặc sệt, tạo thành một hỗn hợp mịn mượt. Nếu hớt lên thấy bột chảy xuống thành từng mảng là thành công; có thể tắt bếp được.

    Khoan nhấc nồi, bạn hãy để nồi trên bếp một lát rồi mới đổ ra mâm sắt. Hoặc nếu có thể, hãy dùng một chiếc mẹt tre có lót lá chuối, để tạo thành một tấm bánh to. Nếu bạn muốn khuôn bánh nhỏ, tiện ăn hơn thì đổ vào chén nhỏ. 

    Sau khi đã nguội hẳn, bề mặt bánh sẽ trở nên láng bóng, mượt mà; không cứng nhưng lại không bị nhão, dùng dao cắt hoặc bẻ ăn đều được mà còn không sợ bị dính tay. Bánh đúc có cách làm không quá khó, vì thế nó được ưa chuộng rất nhiều; đặc biệt là ở miền quê, cũng là những nơi cho ra nhiều biến thể bánh độc đáo.

    Dưới đây là hướng dẫn cách làm thêm hai loại bánh độc đáo của người miền nam để bạn tham khảo:

    4.1. Cách làm bánh đúc mặn

    Nhiều người cảm thấy yêu thích bánh đúc mặn bởi hương vị thơm và béo béo của nước cốt dừa, hòa lẫn với đó là nhâm tôm thịt cùng nước mắm. Vị chua, mặn, ngọt, thơm hội tụ đủ trong một thìa bánh sẽ tạo cho bạn một trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời.

    bánh đúc
    Vị chua, mặn, ngọt, thơm hội tụ đủ trong một thìa bánh

    Để làm bánh đúc mặn, bạn sẽ cần những thứ sau:

    • Bột gạo – 250 gram
    • Bột năng – 40 gram
    • Muối – ½ thìa cà phê
    • Nước cốt dừa – 300 ml
    • Nước lọc – 400 ml
    • Thịt heo xay nhuyễn – 150 gram
    • Tôm khô – 100 gram
    • Mộc nhĩ – 50 gram
    • Hành tím – 1 củ
    • Tỏi – 1 củ
    • Ớt – 1 trái
    • Gia vị: đường, nước mắm, hạt nêm, chanh

    Để làm ra một mẻ bánh thật thơm ngon, bạn có thể tham khảo các bước dưới đây:

    Bước 1: Làm vỏ bánh

    Tiến hành cho lượng bột gạo, bột năng, nước cốt dừa, và nước lọc đã chuẩn bị sẵn vào một chiếc tô lớn rồi khuấy đều để hòa tan hỗn hợp lại với nhau. Nếu cảm thấy cần thiết, bạn có thể lọc hỗn hợp này qua một chiếc rây để hỗn hợp bột mịn hơn, tranh bị vón cục. Sau đó, hãy để bột nghỉ trong khoảng 20 đến 30 phút.

    Bước 2: Hấp bánh

    Bạn cần một chiếc khay đủ lớn để chứa bột và hấp bánh đúc. Trước khi cho hỗn hợp bột vào khay, hãy thoa đều một lớp dầu để bánh không bị dính khi lấy ra. Sau đó đổ bột vào khay với độ dày khoảng một đốt ngón tay. 

    Tiếp đến, bạn cho khay vào nồi hấp trong khoảng từ 7 đến 8 phút rồi mở ra kiểm tra độ đặc của bột. Rồi tiếp tục đổ thêm một lớp bột tương tự nữa rồi hấp đến khi bánh chín hẳn. Để ở ngoài cho bánh nguội trong khoảng 3 đến 5 phút rồi cắt thành miếng đủ ăn.

    Bước 3: Làm nhân bánh

    Cho phần tôm khô đã chuẩn bị vào nước ấm ngâm trong vòng 30 phút để tôm nở đều và mềm ra, rồi rửa sạch với nước và để ráo. Ướp thịt heo đã xay nhuyễn sao cho hợp khẩu vị rồi để trong vòng 15 phút.

    Bước 4: Xào nhân thịt

    Băm nhuyễn hành tím và tỏi, mộc nhĩ thái sợi mỏng. Sau đó bạn bắc chảo lên bếp, đun dầu cho đến khi nóng già thì cho tỏi và hành tím đã băm vào phi thơm. Đến khi hành tỏi hơi ngả vàng, bạn tiến hành cho thịt vào xào cho đến khi gần chín thì cho tiếp tôm khô và mộc nhĩ vào đảo đều. Cuối cùng bạn nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp.

    bánh đúc
    Xào thịt cùng mộc nhĩ để làm nhân bánh

    Bước 5: Làm nước chấm

    Để làm nước chấm chan kèm với bánh đúc cốt dừa, bạn hãy pha 1 thìa canh nước lọc, 1 thìa cà phê giấm, 3 thìa cà phê đường, 4 thìa cà phê nước mắm rồi khuấy đều. Tiếp đến, bạn cho tỏi băm nhuyễn và cà rốt xắt sợi vào khuấy đều là thành món nước chấm ngon. Có thể nếm nếm lại cho hợp khẩu vị, hoặc cho thêm ớt băm nếu muốn ăn cay.

    Bước 6: Thưởng thức bánh

    Đến đây, bạn cắt bánh đúc ra thành từng miếng vuông vừa ăn, rồi cho thêm nhân thịt đã xào lên trên và chan nước chấm là đã có thể thưởng thức bánh rồi!

    4.2. Cách làm bánh đúc ngọt

    Bánh đúc lá dứa, hay còn gọi là bánh đúc ngọt từ lâu đã trở thành một thức quà vặt đặc trưng của người dân Nam bộ. Kết cấu bánh dai nhẹ, mềm núng nính và có mùi hương thơm lừng của lá dứa. Nước cốt dừa và lớp hạt mè rang thơm phức ăn cùng với bánh sẽ tạo nên một hương vị thơm ngon khó cưỡng.

    bánh đúc
    Bánh đúc lá dứa là một món ăn vặt quen thuộc

    Để làm được món ăn này, bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:

    • Bột gạo – 150 gram
    • Bột năng – 150 gram
    • Lá dứa – 1 bó
    • Nếu muốn có màu xanh ngọc đẹp mắt thì chuẩn bị thêm màu thực phẩm xanh lá cây
    • Dầu ăn – 2 thìa canh
    • Vài lát gừng đập dập
    • Đường thốt nốt/đường nâu – 200 gram
    • Hạt mè rang
    • Nước cốt dừa – 1 chén

    Tiếp đó, bạn hãy thực hiện các bước sau để làm món bánh này:

    Bước 1: Sơ chế lá dứa

    Rửa sạch lá dứa rồi cắt nhỏ, sau đó xay nhuyễn với 200 ml nước lọc, rồi lọc bã lá dứa, để lại nước cốt đã xay.

    Bước 2: Trộn bột

    Một mẻ bánh đúc lá dứa chuẩn miền nam khi làm xong sẽ có vân hai màu xanh và trắng rất đẹp. Vì vậy, bạn cần chia bột ra làm hai phần riêng:

    Phần bánh màu trắng: trộn đều hỗn hợp bao gồm 75g bột năng, 75g bột gạo, 250ml nước, chút muối, 1 thìa cafe dầu ăn.

    Phần bánh màu xanh: trộn đều hỗn hợp bao gồm 75g bột năng, 75g bột gạo, 250ml nước cốt lá dứa, 1 thìa cafe dầu ăn, vài giọt màu thực phẩm xanh lá.

    Để hỗn hợp bột nghỉ trong vòng 20 phút.

    Bước 3: Đúc bánh

    Trước khi cho hỗn hợp bột vào khay, hãy thoa đều một lớp dầu thật mỏng để bánh không bị dính khi lấy ra. 

    Bắc lên bếp hai cái nồi cho hai loại màu bột, vừa nấu vừa khuấy bột cho đến khi chín, mịn và còn dẻo thì nhanh chóng trộn đều hai hỗn hợp bột để tạo đường vân tự nhiên, sau đó đổ bột vào khuôn và chờ cho đến khi bột nguội.

    bánh đúc
    Vừa nấu vừa khuấy bột cho đến khi bột chín, mịn và còn dẻo

    Bước 4: Làm nước đường

    Cho đường và 200 ml nước vào nồi cùng 2 đến 3 lát gừng đã được đập dập. Nấu cho đường tan ra và khuấy đến khi nước đường hơi dẻo là được

    Bước 5: Thưởng thức bánh

    Khi bánh nguội, bạn cắt thành miếng vuông vừa ăn cho ra đĩa, sau đó rưới nước cốt dừa và nước đường, rắc thêm chút mè rang lên trên cùng là đã có thể thưởng thức món bánh thơm ngon này rồi.


    Nhận xét

    Bài đăng phổ biến